Loạt hành động “kỳ quái” trên bàn ăn của bà mẹ khiến ai nấy lo cho đứa con: Lớn lên tư duy hạn chế, khó mà làm nên việc lớn

Người xưa có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong đó, những quy tắc về ăn uống thường được chú ý và giáo dục đầu tiên. Thế nên, mọi người cho rằng chỉ cần nhìn vào hành động của một người trên bàn ăn là biết họ có được dạy dỗ tử tế hay không. Đặc biệt, khi bạn là cha mẹ, những hành xử của bạn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cách nhìn và sự hình thành tính cách của con cái.

Một phụ huynh họ Trần ở Trung Quốc mới đây thu hút sự chú ý khi chia sẻ câu chuyện xảy ra trên bàn ăn ở trường. Chị cho biết, có một lần, trường tổ chức đại hội thể thao, phụ huynh đến giúp đỡ. Tối đến, đại hội kết thúc, cha mẹ dẫn theo con mình cùng đi ăn một bữa cơm.

Đầu tiên, phục vụ bàn bưng lên một tô canh xương ống hầm củ cải, bên trong chỉ có một khúc xương ống to. Mấy đứa trẻ thi thố thể dục xong đều rất đói. Phụ huynh bắt đầu lấy nước canh củ cải và vài miếng thịt từ khúc xương rớt ra vào chén cho con mình. Chưa chia ra được bao nhiêu thì có phụ huynh nọ gắp luôn khúc xương ống vào bát con trai mình, nói: “Thịt đều bị mấy đứa ăn hết rồi, thôi để con trai tôi gặm xương cho”. Mọi người nghe vậy bắt đầu thấy không vui, nhưng không nói gì.

Loạt hành động "kỳ quái" trên bàn ăn của bà mẹ khiến ai nấy lo cho đứa con: Lớn lên tư duy hạn chế, khó mà làm nên việc lớn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Phục vụ lại lên một món trứng hấp, các em nhỏ lần lượt dùng muỗng múc về chén của mình. Người mẹ này bắt đầu gấp gáp, bảo với con trai: “Nhanh múc trứng vào chén đi, sắp bị ăn hết rồi kia kìa”.

Bé trai đang gặm xương nên không ngó ngàng gì tới. Thế là người mẹ liền lấy muỗng múc hẳn nửa tô trứng về chén của mình, rồi hối con không gặm xương nữa, thịt sắp hết. Chị đợi con bỏ khúc xương xuống liền đổi ngay tô trứng của mình qua cho con.

“Lúc này, mọi người đều có vẻ khó chịu. Cô ta lại còn nói qua con trai tôi: “Mau ăn cơm đi, không nghiêm túc một chút nào. Chị phải chăm cho nó ăn nhiều, sợ nó không cao được. Chị xem bé nhà tôi là cao nhất trong đội bóng rổ rồi đó”. Một phụ huynh của một bé có vóc dáng thấp lên tiếng: “Nếu chị thấy con chị cao nhất như vậy thì đừng có ăn nữa, để cho tụi nhỏ nhà chúng tôi ăn đi. Con tôi còn thấp hơn con chị một cái đầu”.

Cô ta cười cười. Đứa con cũng nhận ra được mọi người đang không vui nên ngại ngùng cúi đầu. Chúng tôi không muốn để đứa nhỏ khó chịu nên không nói gì cả. Món đều lên đủ. Cô ta vẫn cứ thế vội vã gắp đồ ăn về cho con mình. Bé cũng ngăn cản mẹ mấy lần nhưng cô ta chỉ cười trách bé không hiểu chuyện, không hiểu được nỗi khổ tâm của cha mẹ”, phụ huynh Trần kể.

Cuối cùng, món da khoai xào được mang lên (Da khoai là khoai lang tẩm ướp ép thành miếng hút chân không, trông như miếng da động vật). Trong nhóm có một phụ huynh là người phương Bắc, suốt bữa chẳng ăn được bao nhiêu vì nhiều món quá cay. Da khoai là món khá vừa miệng, chị ấy thích ăn nên mọi người xung quanh gắp về chén cho chị.

Thế nhưng, người mẹ kia lại lùa hết phần da khoai còn lại trên đĩa vào chén cho con trai mình, nói bé thích ăn món này. Ai nấy cực kì khó chịu, một người lên tiếng: “Chị quá đáng rồi đó! Con trai chị thích ăn món nào là chị lấy hết món đó cho bé, không nghĩ tới ai hay sao?”. Người này đáp lại: “Không phải mấy người đều gắp cho cô kia hết rồi sao?!”. Sau đó, quay sang người tới từ phương Bắc kia, nói: “Tôi cho con trai ăn hết da khoai rồi, chắc chị không có giận đâu nhỉ? Người lớn mà, để tụi nhỏ ăn nhiều chút”.

Đứa trẻ con của người này cũng không đồng ý, nói mẹ vài câu. Những đứa trẻ cảm nhận không khí trên bàn ăn đang căng thẳng nên không dám hó hé tiếng nào. Chưa hết, người này còn liên tục dỗ dành bắt ép con ăn. Trên đĩa còn thịt xào, cậu bé ban đầu không chịu ăn, nhưng sau một hồi nài nỉ của người mẹ thì bé nói không muốn ăn mỡ, chỉ có thể ăn phần nạc. Cô ta liền bảo con gắp hết mỡ qua chén mình. Và bất ngờ hơn, người này lại đổ hết phần mỡ qua chén của phụ huynh họ Trần, bảo: “Chị ăn đi. Chị gầy như thế thì ăn nhiều mỡ một chút cũng không sao. Tôi quá mập rồi, không ăn mỡ”.

“Tôi nổi điên lên, hét: “Chị bị thần kinh hả? Chị tưởng đây là nhà chị sao? Người cũng mấy chục tuổi rồi mà sao không có gia giáo gì hết vậy? Tôi và chị không thân. Chị chiều con chị thì cứ về nhà mà chiều. Đừng ở trước mặt người khác thể hiện tình mẹ con…”, phụ huynh Trần kể. Chị cho biết muốn mắng thêm vài câu nữa, nhưng nhìn mặt đứa con của cô ta bên cạnh cứ đỏ cả lên, cúi đầu, trông tội nghiệp nên đành thôi.

Về nhà, con trai của chị Trần nói: “Bạn học con thật tội nghiệp! Một bữa cơm mà cũng bị miễn cưỡng ép buộc như thế! Vẫn là mẹ tốt nhất”.

Cách cư xử trên bàn ăn phản ánh sự tu dưỡng bản thân

Trên thực tế, trong đời sống thường ngày, không ít những đứa trẻ có thói quen chiếm hữu đồ ăn ngay khi được bày lên bàn. Dù được người lớn nhắc nhở nhưng đứa trẻ lại tỏ thái độ cáu giận và đòi bằng được món ăn mình thích và không chia sẻ với người khác.

Những đứa trẻ này nếu không được uốn nắn lại thì khi lớn lên, chúng sẽ quá coi trọng lợi ích của bản thân. Chỉ vì quan tâm đến lợi ích ngắn hạn mà tầm nhìn và tư duy sẽ thường bị hạn chế, không nhìn thấy được những mục tiêu, từ đó hạn chế khả năng của chính mình.

Trẻ thích giành giật đồ ăn thường chỉ quan tâm đến bản thân và bỏ qua cảm xúc của người khác, khi làm việc thường thiếu tinh thần hợp tác. Dù là trên bàn ăn hay trong cuộc sống, đứa trẻ này khi lớn lên sẽ khó nhìn thấy nhu cầu hay mong muốn của người khác, chỉ biết đến bản thân mình, thậm chí còn muốn lấy đi lợi ích từ đối phương, cho dù lợi ích ấy chúng không thực sự cần. Kiểu tính cách ích kỉ này rất khó để hòa nhập với xã hội. Trong công việc hay học tập, những đứa trẻ ích kỉ sẽ dễ bị người khác chèn ép, khiến không gian phát triển trở nên hạn hẹp.

Đừng nghĩ rằng con còn nhỏ, đợi chúng lớn lên dạy dỗ cũng chưa muộn. Nếu con bạn đã chăm chỉ học tập trong nhiều năm và đạt được nhiều thành tích, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội vì ấn tượng xấu do một bữa ăn để lại, là một người mẹ, bạn có hối hận vì 30 năm trước bạn đã dạy con quá ít về phép lịch sự khi ăn uống hay không? Nếu muốn con trở thành người văn minh, chính bạn phải trang bị kiến thức và làm tấm gương trong chuyện ăn uống cho con.

Làm mẫu và lặp đi lặp lại hằng ngày những nguyên tắc ứng xử nhỏ nhất trong ăn uống, trẻ sẽ được khích lệ hình thành những thói quen tốt.

Cách cư xử trên bàn ăn không chỉ phản ánh sự tu dưỡng bản thân của một người mà còn giúp họ tiến tới một nơi cao hơn và xa hơn trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *