Dựa vào đâu mà người Hải Phòng chỉ nhìn vào nhân cũng nhận ra gần chục thương hiệu bánh Trung thu?
Mùa Trung thu năm nay, mọi sự chú ý gần như đổ dồn về với những hiệu bánh nướng – bánh dẻo tuổi đời từ 30 tới 84 năm. Vốn con phố Cầu Đất không xa lạ gì với dân địa phương hay các khách sành ăn, song, tiếng lành đồn xa, cách người dân thành phố này tự hào ngay trong việc gìn giữ ẩm thực truyền thống đã gây ấn tượng mạnh.
Đặc điểm chung của những chiếc bánh Trung thu truyền thống ở Hải Phòng
Mỗi vùng miền, mỗi địa phương sẽ có những thói quen sinh hoạt đến khẩu vị ăn uống. Cùng là bánh Trung thu nhân thập cẩm truyền thống nhưng có khi cách vài trăm km hay qua một chiếc cầu, người dân 2 phía đã yêu cầu 2 vị ngọt, vị thơm khác nhau.
Và với những người đã thưởng thức một hương vị nào đó suốt một thời gian dài thì việc nhận ra quán quen không quá khó khăn. Đó cũng là lý do tại sao mà khi hỏi 10 người Hải Phòng thì ít nhất 5-6 người khẳng định có thể nhận ra được những chiếc bánh được sản xuất ở địa phương, hay cụ thể hơn là các hàng trên con phố Cầu Đất.
Thứ nhất là về trọng lượng. Những chiếc bánh Trung thu ở Hải Phòng, khi cầm lên chắc tay nhưng sẽ không nặng trịch. Bởi, một chiếc bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống thông thường lớn nhất là khoảng 200g, bé hơn là 180g, 170g, 160g (không nói đến các bánh size cỡ đại >500g). Riêng điều này đã khác với hàng truyền thống ở Hà Nội như Bảo Phương hay một số nơi khác, thường bánh có trọng lượng 250g.
Thứ hai là vỏ bánh nướng ở Hải Phòng cực kỳ mỏng. Nếu mẻ bánh nào trong lúc tạo hình không đều hay bị nướng quá tay thì khi ra thành phẩm là phần vỏ sẽ bị nứt, bị móp, nhân sẽ bị lộ ra ngay.
Riêng phần nhân thập cẩm sẽ gồm các nguyên liệu như mỡ đường, lạp xưởng, hồng xíu, vừng (mè) rang, lạc rang, hạt dưa, mứt bí, mứt hạt sen, lá chanh… Đặc biệt lúc nào nhìn vào cũng là phần nhân dẻo quánh, khi cắt ra thành từng miếng cũng không bị rời rạc giữa vỏ và nhân.
Dựa vào đâu mà có thể gọi tên từng thương hiệu
Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên thì mỗi hiệu bánh vẫn có những nét riêng, tuỳ theo công thức gia truyền. Và thường thì các gia đình Hải Phòng sẽ tuỳ thuộc vào sở thích riêng mà chọn lựa cho mình một hàng yêu thích. Sẽ thật khó để đặt lên bàn cân xem hàng nào ngon hay dở.
Tuy nhiên, nhân dịp này, chúng ta sẽ cùng thử tài phân biệt như người bản địa qua 5 thương hiệu bánh nướng và bánh dẻo được yêu thích nhất trên con phố Cầu Đất là Bình Minh, Đông Phương, Thanh Lịch, Lâm Hương, Chi Long và Như Ý.
Vẫn là phần vỏ mỏng nhưng màu vỏ bánh, độ sắc nét của các hoạ tiết trên bề mặt hay độ mềm là khác biệt. Nếu để xếp hạng theo thứ tự tăng dần về độ mềm, độ sắc nét và màu vỏ thì như sau: Đông Phương, Bình Minh, Thanh Lịch, Chi Long, Lâm Hương.
Tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hải Phòng gần như đều gắn với những chiếc bánh nướng thập cẩm. Đây cũng là yếu tố quyết định, giúp họ có thể nhận ra hiệu bánh yêu thích của gia đình mình. Phần nhân thập cẩm dẻo quánh, kết dính là thế, vậy nhưng, khi cắt bánh ra, có thể thấy rõ độ nhuyễn giữa nhân của các hàng. Có thể sắp xếp theo thứ tự tăng dần như sau: Đông Phương, Thanh Lịch, Bình Minh, Lâm Hương, Chi Long.
Đông Phương tuy nhân nhuyễn nhất nhưng vẫn còn rõ những hạt vừng. Chi Long lại là hàng còn rõ miếng mứt bí và mỡ đường. Bình Minh có nhiều lá chanh trong nhân nhất.
Còn về hương vị, theo nhận xét chủ quan của người viết. Dù đã giảm độ ngọt nhưng trong số 5 hiệu thì ngọt nhất vẫn là Đông Phương, vị ngọt của Bình Minh và Thanh Lịch là ngang nhau và rõ thêm hương vani, Chi Long xếp sau và Lâm Hương là có nhân ngọt vừa nhất – đủ để nhận ra hương vị của các nguyên liệu khác.
(Lưu ý những chiếc bánh này có cùng ngày sản xuất và được mở ra sau ngày sản xuất 1 ngày. Hình ảnh chụp là màu gốc, chưa qua bộ lọc.)