Dự đoán tuổi thọ cực đơn giản nhờ bài kiểm tra ngắn trong 2 phút, dễ dàng thực hiện tại nhà
Có nhiều yếu tố quyết định tuổi thọ của chúng ta. Trong đó có một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của con người chẳng hạn như di truyền và bệnh tật. Tuy nhiên, một số yếu tố khác lại có liên quan đến thói quen sinh hoạt chẳng hạn như chế độ ăn uống và tần suất tập thể dục.
Bác sĩ Natalie Azar, chuyên gia y tế của NBC News đã chia sẻ một bài kiểm tra đơn giản mà bạn có thể làm tại nhà để . Bác sĩ Azar cho biết bài kiểm tra có tên “sitting rising test” (bài kiểm tra ngồi và đứng dậy), có thể dự đoán nguy cơ tử vong trong tương lai gần của một người trong độ tuổi từ 51-80.
Bài kiểm tra có thể giúp kiểm tra một số yếu tố liên quan đến tuổi thọ khác nhau chẳng hạn như tình trạng sức khỏe của tim, khả năng giữ thăng bằng, mức độ nhanh nhẹn, sức mạnh và tính linh hoạt của cơ thể và đôi chân.
Mọi người có thể thực hiện bài kiểm tra bằng cách đứng thẳng, chuyển sang vắt chéo chân và ngồi xuống – đứng dậy. Mọi người có 10 điểm khi bắt đầu bài kiểm tra và bị trừ 1 điểm nếu sử dụng bất kỳ bộ phận trên cơ thể nào dưới đây để đứng dậy, bao gồm: tay, đầu gối, cánh tay, đùi hoặc đặt tay lên đầu gối hoặc đùi để đứng dậy.
Bác sĩ Azar cho biết những người có số điểm thấp sẽ có nguy cơ tử vong sớm cao hơn.
“8 điểm trở lên là con số đáng mơ ước. Khi già đi, mọi người thường dành thời gian để nói về sức khỏe tim mạch và các bài tập thể dục nhịp điệu, tuy nhiên khả năng giữ thăng bằng, độ linh hoạt và nhanh nhẹn cũng rất quan trọng”, bác sĩ Azar nói.
Nghiên cứu nói gì?
Một nghiên cứu do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ công bố đã tiến hành nghiên cứu về bài tập Sitting rising test (SRT) với sự tham gia của 2002 người trong độ tuổi từ 51-80 tuổi, trong đó 68% là nam giới.
Những người tham gia thực hiện bài kiểm tra SRT và được theo dõi tình trạng sức khỏe trong 6,3 năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người đạt được số điểm thấp nhất từ 0 đến 3 điểm có nguy cơ tử vong cao gấp 6 lần so với những người có điểm số cao nhất từ 8 – 10 điểm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Claudio Gil Araújo, tại Phòng khám Y học Thể dục Clinimex ở Rio de Janeiro (Brazil) cho biết: “Khi so sánh với các phương pháp kiểm tra chức năng khác, bài kiểm tra SRT không cần bất cứ thiết bị hay dụng cụ cụ thể nào cả. Bài kiểm tra cũng khá an toàn và dễ áp dụng trong khoảng thời gian ngắn (chưa đầy hai phút) nhưng có thể giúp mọi người kiểm tra sức khỏe và dự đoán tuổi thọ.
Theo đó, sức khỏe cơ xương là một yếu tố dự báo tỷ lệ tử vong ở những người từ 51 – 80 tuổi. Nếu một người đàn ông hoặc phụ nữ trung niên có thể ngồi và đứng lên khỏi sàn chỉ bằng một tay – hoặc thậm chí tốt hơn là không cần sự trợ giúp của bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể – họ sẽ nằm trong nhóm có sức khỏe cơ xương tốt và có ít nguy cơ tử vong sớm hơn so với những người không thể làm được điều đó”.
PGS. TS Greg Hartley, phó giáo sư tại Đại học Miami, Mỹ chia sẻ quan điểm của mình về nghiên cứu trên Tạp chí Hiến pháp Atlanta: “Có nhiều yếu tố có liên quan đến tỷ lệ tử vong sớm chẳng hạn như khối lượng cơ bắp, hoạt động thể chất, sự suy nhược thể chất,… Tuy nhiên, các yếu tố này chỉ có mối tương quan với tỷ lệ tử vong chứ không phải là mối quan hệ nhân quả”.
Do đó, PGS. TS Hartley cho biết bài kiểm tra chỉ có tính tương đối vì nhìn chung những người đạt điểm thấp nhất đều lớn tuổi hơn những người đạt điểm cao.