Dịch vụ ‘hái ra tiền’, càng mưa càng đắt khách ở TPHCM
Hoạt động hết công suất
Mang đến tiệm một túi quần áo to, chị Phan Thị Thúy (22 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho hay: “Tôi thường giặt đồ bằng tay, tuy nhiên mấy ngày nay trời mưa liên tục khiến quần áo phơi không khô lại có mùi ẩm mốc khó chịu. Tôi phải mang ra tiệm giặt sấy, vừa tiết kiệm thời gian, mà giá cả cũng hợp lý”.
Chia sẻ với Tiền Phong, chị Phan Kim Huệ (29 tuổi, chủ tiệm giặt sấy tại đường số 6, phường Linh Trung, TP Thủ Đức) cho biết, những ngày qua do mưa kéo dài , nhu cầu giặt sấy của người dân tăng mạnh nên tiệm của chị luôn phải hoạt động hết công suất.
“Tôi có 5 tiệm giặt sấy, trung bình mỗi tiệm đón từ 50 – 60 khách/ngày. Vào những ngày mưa, số lượng khách sẽ tăng mạnh, có khi lên đến gần 100 khách, ước lượng tổng lợi thu về mỗi ngày là hơn 5 triệu đồng”- chị Huệ cho hay.
Chị Trần Ngọc Thiên Ân (38 tuổi, chủ tiệm giặt sấy tại hẻm 69 đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh) cũng cho biết, mưa là thời gian tiệm của chị thu hút nhiều khách hơn bình thường. Có những ngày, trừ chi phí điện, nước, nhân viên, tu sửa,… chị cũng “bỏ túi” gần 2 triệu đồng.
Dù nhu cầu giặt sấy tăng cao nhưng giá dịch vụ tại nhiều tiệm giặt sấy vẫn được giữ nguyên. Theo chị Ân, giá giặt sấy quần áo tại tiệm của chị dao động từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/kg, các loại chăn giá từ 30.000 đồng/cái, giày dép từ 35.000 đồng đôi tuỳ loại…
Tỉ mỉ, cẩn thận
Anh Hưng (29 tuổi, ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức) cho biết, với 3 chi nhánh giặt sấy hoạt động gần 4 năm, anh đã có cho mình lượng khách quen ổn định.
Những ngày mưa, các tiệm giặt sấy của anh Hưng đón thêm được nhiều khách mới. Mặc dù đã đầu tư máy móc, tuy nhiên vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.
Theo anh Hưng, nghề giặt sấy đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và chỉn chu từ khâu nhận đồ, giặt đồ, giao đồ, nếu không sẽ bị nhầm lẫn đồ của khách này với khách khác.
“Trước khi bỏ đồ của khách vào giặt, tôi đều đứng trước camera, khi xếp đồ giao cho khách cũng như thế, mình phải để camera ghi nhận lại, khi có khiếu nại cũng dễ dàng kiểm tra”- anh Hưng kể.
Anh Hưng cũng cho biết, mỗi cửa tiệm của anh đều có từ 1 đến 2 camera, khi có khách báo thiếu đồ, anh sẽ ghi nhận và kiểm tra lại. Nếu là lỗi do tiệm, anh sẽ chịu trách nhiệm bồi thường phù hợp cho khách. Tuy nhiên, trường hợp này ít xảy ra, vì các tiệm đều làm việc cẩn thận.
Chị Trần Ngọc Thiên Ân cho hay, kể từ khi chị mở cửa tiệm giặt sấy đến nay đã gần 5 năm. Từ vị trí gần như độc nhất, giờ đây cả hẻm 69 đường Nguyễn Gia Trí đã xuất hiện thêm nhiều tiệm giặt sấy khác. Mặc dù vậy, số lượng khách của chị không giảm nhiều, vì chủ yếu là khách quen.
“Có những lúc khách mang đồ đến cửa rồi đi luôn, không để lại tên hay số điện thoại. Mình chỉ cần nhìn đồ là biết của khách nào, khoảng mấy giờ sẽ lấy. Hầu hết các khách khi được tiệm nhớ tên đều có vẻ rất vui và đều quay lại ủng hộ tiệm. Vì vậy, đây cũng có thể là cách giữ chân khách hiệu quả”- chị Thiên Ân chia sẻ.
Để làm nổi bật tiệm của mình trong nhiều tiệm giặt khác trong khu vực, các tiệm đều có công thức xà bông, nước xả riêng. Tiệm của chị Phan Kim Huệ cũng thế, chị cho biết, bản thân phải phải tìm hiểu nhiều loại sản phẩm để tìm ra mùi hương phù hợp, thơm lâu để làm “thương hiệu” cho tiệm.
Các chủ tiệm giặt ủi cho biết, ngoài mùa mưa , hầu hết các tiệm đều đông khách vào hai ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật. Khách đa phần có nhu cầu giặt quần áo, chăn, drap, gấu bông, giày,…