Xem con bạn thuộc nhóm nào để có cách nuôi dạy phù hợp
Trần Hạc Cầm, một nhà giáo dục ở Trung Quốc, từng nói: “Giáo dục gia đình phải dựa trên tâm lý, tính cách trẻ em mới có hiệu quả. Nếu giáo dục mà không hiểu rõ con mình thì kết quả không được như mong muốn”.
Mỗi loại tính cách đều có mặt tốt và mặt chưa tốt. Các bậc cha mẹ thành công tập trung vào việc phát huy những mặt tốt trong tính cách của con mình và hạn chế những mặt xấu. Từ đó giúp trẻ hoàn thiện hơn, tự tin hơn, nổi bật hơn.
Làm sao cha mẹ có thể hiểu được tính cách của con mình? Ngay từ khi mới chào đời, tính cách của trẻ đã có thể được bộc lộ qua tư thế ngủ, tiếng khóc… Khi lớn lên, lời nói, sở thích và sự hoạt bát cũng có thể phản ánh tính cách của trẻ. Cha mẹ có thể hiểu được tính cách của con mình bằng cách kiên nhẫn thấu hiểu hành vi và lời nói của con, từ đó có thể hướng dẫn trẻ lớn lên đúng cách.
Theo đó, cha mẹ có thể xem con mình thuộc kiểu nào sau đây:
1. Kiểu trẻ thích hoạt động
Những đứa trẻ này vốn năng động. Nhiều cha mẹ thường phàn nàn rằng con mình dường như không bao giờ có thời gian nghỉ ngơi, không ngồi im một chỗ. Chúng vui chơi suốt cả ngày và tràn đầy năng lượng ngay cả khi thể chất mệt mỏi.
Dù đôi lúc khiến cha mẹ “tăng xông” nhưng những đứa trẻ này thường có cá tính mạnh mẽ, gặp khó khăn lớn cũng sẽ tiến về phía trước mà không hề nao núng. Người không bao giờ bỏ cuộc và có đam mê sẽ có cơ hội thành công cao hơn trong tương lai. Nhiều nhà lãnh đạo ngày nay cũng là những người đầy nghị lực như vậy.
Cha mẹ nên nhớ một điều: Ngay cả khi hành vi của con khiến bạn đau đầu, đừng vội vàng chỉ trích con mọi lúc mọi nơi và để con cảm thấy tồi tệ về bản thân. Đừng luôn nhấn mạnh rằng con người khác ngoan ngoãn hơn và yêu cầu con mình làm điều tương tự, điều này không công bằng cho trẻ.
Cha mẹ nên khéo léo chừa không gian cho con khám phá và cho phép chúng giải phóng hoàn toàn bản thân. Khi con vượt quá phạm vi hợp lý, cha mẹ chính là “trọng tài” và đưa ra những hướng dẫn đúng đắn để đưa con vào khuôn khổ.
2. Kiểu trẻ thích yên tĩnh
Những đứa trẻ như vậy thường đứng sau đám đông, thích sự yên tĩnh, kém chủ động. Nhưng điều này không có nghĩa là trẻ có lòng tự trọng thấp hay khả năng thích ứng sẽ chậm hơn.
Ưu điểm là trẻ có thể trở thành một người ngoài cuộc bình tĩnh, điều này bổ sung cho đứa trẻ hướng ngoại. Trẻ hướng nội có thể quan sát một số phần mà đứa trẻ hướng ngoại dễ bỏ qua. Một số chuyên gia cho rằng trẻ hướng nội là người biết lắng nghe và dành nhiều thời gian để suy nghĩ, vì vậy, trẻ thuộc kiểu này có thể đọc được những gì người khác muốn nói.
Những đứa trẻ hướng nội luôn được gắn với nhiều nhãn tiêu cực khác nhau, chẳng hạn như nhút nhát, rụt rè,… Những nhãn mác này đôi khi do cha mẹ đặt cho, đôi khi là của người khác, nhưng trên thực tế, điều này khiến trẻ có thói quen chối bỏ bản thân. Vì vậy, các bậc cha mẹ không được dễ dàng đưa ra kết luận và chỉ trích con mình.
Nếu muốn rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ, bạn đừng ép trẻ tiếp xúc với người khác. Có thể bố trí hình thức trò chơi 1:1 để trẻ cảm thấy an toàn, tự do về mặt tâm lý và tránh cảm giác rụt rè.
Cha mẹ nên chú ý đến việc giao tiếp với con cái, cố gắng để đi vào thế giới nội tâm của con và thực sự hiểu con mình. Điều này không chỉ có lợi cho sự phát triển của mối quan hệ cha mẹ – con cái mà còn cho phép đứa trẻ phấn đấu để trở nên tốt hơn với sự chấp thuận của cha mẹ.
3. Kiểu trẻ nhạy cảm
Bầu không khí sôi nổi khiến nhiều đứa trẻ bối rối. Đây là kiểu trẻ nhút nhát, kín đáo và không thích thể hiện. Trẻ rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, chẳng hạn khi được khen thì sẽ rất vui vẻ, khi bị chỉ trích thì ngay lập tức trở nên chán nản, muốn buông xuôi.
Ưu điểm của kiểu trẻ này là tuân thủ quy tắc, thích im lặng, giàu trí tưởng tượng và nhạy bén. Nhược điểm của trẻ cũng rất rõ ràng, trẻ rất quan tâm đến việc người khác đánh giá mình và dễ bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ bên ngoài.
Trẻ nhạy cảm thường có cha mẹ cũng thuộc kiểu hay nhạy cảm. Nếu bản thân cha mẹ hay nhạy cảm quá mức hoặc hay có những nhận xét thiếu suy nghĩ, thô lỗ thì hãy cố gắng thay đổi cách phản ứng của mình.
Hãy bắt đầu dạy trẻ rằng những gì người khác nói có liên quan đến chính họ nhiều hơn là liên quan đến trẻ. Từ khi học tiểu học, trẻ có thể hiểu rằng người ta đôi lúc nói những lời không đáng nói chỉ vì họ không cảm giác hạnh phúc hay đang chán nản với chính bản thân họ.
4. Kiểu trẻ “bình thản”
Biểu hiện của kiểu trẻ này hoàn toàn trái ngược với những đứa trẻ nhạy cảm. Trẻ có xu hướng không quan tâm quá nhiều đến sự đánh giá của thế giới bên ngoài và không có yêu cầu cao đối với bản thân. Chúng không bị người khác tạo gánh nặng, chỉ quan tâm theo đuổi cuộc sống của riêng mình, miễn là thấy hạnh phúc.
Vì thế, trẻ sẽ không thể hiện quá nhiều trạng thái tiêu cực. Có thể nói, chúng là những người “vô tư”, những đứa trẻ như vậy rất phù hợp với công việc quan hệ công chúng, công việc kinh doanh,…
Nhược điểm của trẻ là không nổi bật lắm, không chủ động lắm khi gặp vấn đề nhưng có tố chất tâm lý là giữ bình tĩnh trong lúc nguy cấp. Tuy nhiên, một số cha mẹ cảm thấy rằng những đứa trẻ như vậy quá thiếu động lực.
Cha mẹ có thể lập một số kế hoạch mang tính xây dựng cho con mình và khuyến khích con tham gia nhiều hơn vào sự cạnh tranh trong các hoạt động nhóm. Hãy động viên trẻ phát huy thế mạnh của bản thân để bù đắp những khuyết điểm trong khả năng cạnh tranh.
Trên thực tế, tính cách của trẻ có thể là sự kết hợp của nhiều kiểu, nhưng một kiểu nào đó sẽ nổi bật hơn. Điều cha mẹ cần biết là dù con có tính cách như thế nào thì cũng phải thuận theo tự nhiên, lựa chọn chấp nhận, hướng dẫn con phát huy những tiềm năng, đặc điểm nổi bật và hạn chế mặt chưa tốt.
Việc uốn nắn con thành mẫu người mà bạn mong muốn là không nên. Không có con đường nào là tuyệt đối cho sự thành công của mọi đứa trẻ, nhưng chỉ cần cha mẹ duy trì phương pháp và thái độ giáo dục đúng đắn thì con cái đều có thể có một cuộc sống tốt đẹp.