Trường đề nghị không tặng quà ngày nhà giáo: Sao lại phải ‘cấm’?
Vừa qua, một trường tiểu học tại Đắk Lắk ra văn bản đề nghị không thăm, tặng quà ngày nhà giáo khiến nhiều phụ huynh tâm tư vì không có dịp thăm hỏi, động viên tinh thần các nhà giáo đã vất vả cả năm vì học trò.
Lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) xác nhận Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) ban hành văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà ngày nhà giáo 20/11.
Gần đây, Sở GD&ĐT TP HCM, Tây Ninh thông báo không tiếp khách, nhận quà hay lẵng hoa từ các Sở, ban ngành nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngạc nhiên
Trước đề nghị của nhà trường, nhiều phụ huynh cho rằng đề nghị này cũng lạ và để lại trong phụ huynh khá tâm tư việc trường “cấm” thăm hỏi, tặng quà ngày nhà giáo.
Vì theo ý kiến các phụ huynh, dịp 20/11 là ngày lễ quan trọng, học sinh cũng như phụ huynh có quyền bày tỏ sự tri ân của mình đến thầy cô đã có công dạy dỗ con. Việc trường ra văn bản “cấm” khiến nhiều phụ huynh lăn tăn.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn, ông Đỗ Ngọc Anh, khẳng định rất ngạc nhiên trước việc trường ban hành văn bản trên. Và ông nói sẽ trao đổi lại với nhà trường.
Các phụ huynh cho rằng không nên chỉ một vài hình ảnh không đẹp mà cấm cản cả một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tại sao lại làm ngược lại những điều đẹp đẽ mà chúng ta hàng ngày đang dạy học sinh là biết “tôn sư trọng đạo”.
Chị Nguyễn Thùy Linh, một phụ huynh có con học lớp 5 ở Hà Nội cho biết, hằng năm đều động viên con đến chúc mừng thầy cô. “Mình có gì tặng nấy, miễn sao giáo dục cho con biết ơn công lao thầy cô. Món quà tặng to hay nhỏ thực sự không bằng cách tặng”, chị Linh chia sẻ.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đỗ Quang, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai – lý giải việc trường ban hành văn bản nêu trên để giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo, người lao động của trường.
“Việc tri ân thầy, cô giáo không nhất thiết cứ phải đến tận nhà thăm hỏi và tặng quà. Tri ân với thầy cô thì các em ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học, học giỏi.
Xin đừng biến món quà “lệch lạc” đi
Cô Đỗ Thị Ngọc Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu (Hà Nội) cho rằng sao lại phải có lời “đề nghị” không nên tặng hoa, quà giáo viên dịp 20/11.
“Ngày 20/11 hằng năm là dịp để các thế hệ học sinh và toàn xã hội tri ân thầy cô giáo. Đây là truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp từ xưa đến nay của dân tộc Việt Nam. Vậy tại sao lại phải cấm. Vấn đề quan trọng nhất là học sinh, phụ huynh cũng đừng nặng vật chất là được. Có như vậy mới là cách đỡ áp lực cho cả giáo viên”- cô Dung chia sẻ.
Cô N.M.D, hiệu trưởng một trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, trong cuộc đời 30 năm làm nghề giáo của mình, cô rất vui và hạnh phúc khi được nhận quà từ học sinh. Đó không phải là món quà nặng về vật chất mà nho nhỏ, ấm áp.
Cô cũng thừa nhận, thực tế có một phần các món quà từ học sinh hay phụ huynh mang “gánh nặng” để cô nâng đỡ, để ý con em họ trong quá trình học tập, bị thương mại hóa, bị toan tính quá của người lớn khiến trẻ con cũng trở nên thực dụng hơn.
“Món quà của học sinh từ tâm khiến giáo viên rất vui. Nhưng điều hạnh phúc của giáo viên không ở món quà mà ở chính cách tặng, tình cảm của trò ở trong đó”- cô D. chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên dạy Sinh ở Hà Nội cho rằng, ở chiều hướng tích cực, tặng quà thầy cô với tấm lòng vô tư nhất để thể hiện lòng biết ơn của học trò với thầy cô, của gia đình học trò với thầy cô là 1 nghĩa cử phù hợp với truyền thống tốt đẹp thể hiện “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.
Với học trò hay phụ huynh, món quà là 1 cách thể hiện lòng biết ơn, tỏ được nỗi lòng của mình, gia đình mình với người thầy, cô đã dành bao tâm huyết để hỗ trợ và dạy dỗ học trò.
Với thầy cô, nhiều món quà lại có ý nghĩa tinh thần tốt, nhất là những món quà học sinh tự tay làm tặng thầy cô, giúp khích lệ tinh thần của thầy cô hăng say hơn trong sự nghiệp giáo dục, thêm gắn kết với các thế hệ học trò và thêm yêu nghề hơn. Tặng quà thầy cô, nếu ý nghĩa của món quà là “tri ân thầy cô, chia sẻ và cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ mình/con em mình” một cách vô tư, không vụ lợi thì món quà đó là món quà ý nghĩa.
Ở chiều hướng tiêu cực, ngày nay nhiều món quà không còn sự vô tư nữa mà mang tính chất vụ lợi, phụ huynh muốn thầy cô quan tâm đến con mình nhiều hơn, thậm chí nâng điểm hay giải quyết các vấn đề khác của con mình tại lớp, tại trường. Những món quà có giá trị vật chất ngày càng cao dẫn đến tình trạng một số thầy cô có thể có cái nhìn lệch lạc khi đánh giá học trò dựa trên “hoàn cảnh gia đình” từ đó tạo nên sự phân biệt đối xử, mất đi tính vô tư và tính công tâm trong quá trình làm việc.
Thầy Công cho rằng, với bản thân thầy, gần 20 năm công tác thì món quà quý giá nhất mà học sinh tặng là lớp lớp thế hệ học sinh đỗ đạt, thành đạt trong học tập, nghiên cứu khoa học và công tác, đó là tài sản vô giá mà mỗi thầy cô giáo đều muốn tích lũy dần theo năm tháng, sự thành công của học trò là món quà quý giá nhất với người thầy.
“Trong suốt những năm tháng công tác ấy, tôi cũng nhận được nhiều món quà từ các học sinh, cựu học sinh hay phụ huynh và tôi đặc biệt trân quý những món quà học sinh tự tay làm như những tấm thiệp, những cuốn sổ, những bức thư mà học trò gửi cảm ơn thầy. Trong ngăn bàn làm việc của tôi có 1 ngăn tủ chứa những tấm thiệp tự làm, những bức thư tay, những cuốn sổ, nhật kí của học trò tặng lại… đó là ngăn tủ quý giá nhất cuộc đời làm giáo viên của tôi”- thầy Công chia sẻ.
Thầy cũng cho rằng, nếu các bậc phụ huynh, các học sinh tặng quà thầy cô với tấm lòng vô tư không vụ lợi, thể hiện lòng tri ân của mình với công lao dạy dỗ của thầy cô.
Thầy cô cũng nhận món quà với tinh thần công tâm, không phân biệt đối xử thì những món quà đó sẽ trở nên đầy ý nghĩa, thể hiện được tinh thần “tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần gắn kết thầy cô và các thế hệ học trò, khích lệ tinh thần thầy cô để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.