Trên 90% sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi: Bằng đỏ có “mất thiêng”?
Trong đợt tốt nghiệp tháng 8 vừa qua, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có 4.577 tân cử nhân. Trong đó, 1.192 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc (chiếm 26,04%), 1.925 sinh viên loại giỏi ( trên 42%), 1.376 sinh viên loại khá (30%). Như vậy, số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc gấp đôi số sinh viên tốt nghiệp loại khá, trung bình. Trường ĐH Ngoại thương tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc cũng đạt gần 70%.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng ĐH hệ chính quy năm 2023 cho 417 sinh viên. Trong số đó, có 55 trường hợp xếp loại xuất sắc, đạt tỉ lệ 13,2%; 208 đạt loại giỏi, đạt tỉ lệ gần 50%; 150 xếp loại khá, tỉ lệ 36% và chỉ có 4 sinh viên xếp loại trung bình, tỉ lệ 1%. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp từ khá trở lên của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chiếm tới 99%. Năm 2023, Trường ĐH Lao động-Xã hội có 1.076 tân cử nhân ĐH chính quy. Trong đó, tổng số sinh viên đạt tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, khá chiếm tới 92,84%.
“Nếu hai yêu cầu (chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra, kiến thức đưa vào giảng dạy) không được các trường chú trọng thì hệ quả là bằng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc “mất thiêng”; các trường cũng thiếu động lực để cải tiến chất lượng đào tạo”.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền
Không chỉ ở hệ ĐH, sau ĐH tỉ lệ tốt nghiệp giỏi, xuất sắc cũng rất cao. Chương trình Thạc sỹ Tài chính và Đầu tư của Viện Đào tạo Quốc tế, Học viện Tài chính năm 2023 có 15 học viên tốt nghiệp. Trong đó có 4 học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và 8 học viên tốt nghiệp loại giỏi. Như vậy tỉ lệ đạt giỏi, xuất sắc lên đến gần 80%.
Cần chuẩn hóa đánh giá
Tuy vậy, nhiều trường ĐH có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc không cao. Trong đợt tốt nghiệp tháng 10, ĐH Bách khoa Hà Nội có 1.792 tân kỹ sư và 1.132 cử nhân. Trong đó, có 208 sinh viên (7,12%) tốt nghiệp loại xuất sắc, 772 sinh viên (26,40%) tốt nghiệp xếp loại giỏi. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc của ĐH này là trên 33%. PGS. TS Nguyễn Phong Điền Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm nay, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đã nhích lên so với năm trước, đạt 65%.
Như vậy có tới 35% sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp không đúng hạn. Theo ông Điền, câu trả lời cho câu hỏi tỉ lệ xếp loại sinh viên tốt nghiệp có phản ánh đúng thực chất hay không là do các trường đào tạo. Còn mức độ thăng tiến trong công việc như thế nào, do doanh nghiệp trả lời. Sở dĩ tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của ĐH Bách khoa tốt nghiệp đúng hạn nhích lên là do ĐH áp dụng phương thức xét tuyển tài năng đầu vào, cùng với đó là có giải pháp hỗ trợ phương pháp học tập cho sinh viên 2 năm đầu, từ đó, chất lượng có nâng lên nhưng không nhiều.
Ông Điền cũng nhìn nhận, ở bậc phổ thông luôn nhận được phàn nàn tỉ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi cao quá, đến bây giờ dư luận mới chú ý đến giáo dục ĐH. Ông Điền cho hay, thực tế, dù ở bậc học nào thì tỉ lệ giỏi, xuất sắc phải là hình kim tự tháp, khó có thể xảy ra hiện tượng hình tháp ngược. “Nếu hệ thống kiểm tra nghiêm túc, đề kiểm tra chuẩn theo đúng khoa học đánh giá thì tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc theo hình tháp ngược là điều rất đáng mừng”, ông Điền nói.
Nhưng ông cũng nhìn nhận tại Việt, trừ các trường ĐH Sư phạm, năng lực nghiệp vụ ra đề thi, đánh giá của giảng viên còn hạn chế; khó – dễ theo cảm tính, không theo quy trình kiểm tra, không đúng đánh giá năng lực theo mong muốn của đề cương chi tiết học phần. Mỗi học phần nhích lên một chút, kết quả cuối khóa sẽ biến thiên rất nhiều.
Do vậy, để chất lượng đào tạo thực chất, ông Điền cho rằng cần dựa vào các yếu tố như chuẩn hóa các câu hỏi thi, hệ thống kiến thức muốn chuyển tải tới sinh viên. Đối với chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra, ngay tại ĐH Bách khoa Hà Nội đang thực hiện rốt ráo nhưng cũng chưa bao trùm tất cả. “Nếu hai yêu cầu (chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra, kiến thức đưa vào giảng dạy) không được các trường chú trọng thì hệ quả là bằng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc “mất thiêng”; các trường cũng thiếu động lực để cải tiến chất lượng đào tạo”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền.