Thi vào lớp 10 năm 2024, Hà Nội chọn 3 hay 4 môn?
Có con gái học lớp 9 tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), anh Nguyễn Đình Cường bày tỏ mong muốn năm tới thành phố tổ chức thi vào lớp 10 công lập với 3 môn như năm học 2023 – 2024. Nếu làm được điều này, cả thầy cô và học sinh đều giảm áp lực. “Trường hợp thi thêm môn thứ 4, các em lại phải chờ tới tháng 3/2024 – cách ngày thi chưa đầy 3 tháng, khó đảm bảo được chất lượng thực sự”, anh Cường lo lắng.
Còn theo em Chu Thị Mai Trang – học sinh Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức), năm nay thành phố tổ chức thi 3 môn là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10 nên em mong năm 2024 cũng giữ ổn định như vậy.
Hiện, ngoài giờ học trên lớp, mỗi tối thứ 3, 5 và 7, nữ sinh này tranh thủ sang nhà bác ruột là giáo viên để kèm thêm môn Toán. Gia đình cũng tạo mọi điều kiện để em có thể cân bằng thời gian học tập, sinh hoạt khoa học, hợp lý để tránh áp lực.
Cô Ngọc Linh – Trường THCS Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, qua nắm bắt, đa số phụ huynh và học sinh mong muốn năm tới thành phố tổ chức thi vào lớp 10 với 3 môn cố định Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Hơn nữa, lứa học sinh lớp 9 năm nay (sinh năm 2009) là lớp cuối cùng học Chương trình GDPT 2006. Các em sinh năm 2008 và 2007 cũng thi vào lớp 10 với 3 môn, kết quả rất tốt. Nếu giờ quay trở lại hình thức thi 4 môn sẽ khiến học sinh lớp 9 chịu thêm nhiều áp lực không cần thiết.
Có con học lớp 9 tại quận Đống Đa, chị Nguyễn Thị Hương phân tích, khi học sinh THPT học theo Chương trình GDPT 2018, việc thi thêm môn thứ 4 để vào lớp 10 không còn nhiều ý nghĩa. Bởi ở cấp THPT, học sinh lựa chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp. Nếu chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, các em sẽ không học Địa lý; còn tổ hợp Khoa học xã hội sẽ không học Hóa học, Sinh học.
Tại Trường THCS Tây Đằng (huyện Ba Vì), qua tìm hiểu tâm tư của 250 phụ huynh và học sinh lớp 9, đa số đều có nguyện vọng chỉ cần thi 3 môn để vào lớp 10. Chia sẻ thông tin, cô Đặng Thúy Hà – Hiệu trưởng nhà trường đồng thời cho hay: Hằng năm, công tác tư vấn để học sinh lựa chọn tổ hợp môn khi vào lớp 10 được nhà trường chú trọng.
Dựa trên kết quả học tập, nguyện vọng của học sinh và gia đình, thầy cô sẽ định hướng để có quyết định phù hợp. “Chúng tôi mong thành phố sớm đưa ra quyết định về phương thức, số lượng môn thi vào lớp 10 năm 2024 để các trường có sự chuẩn bị tốt nhất”, cô Đặng Thúy Hà bày tỏ.
Dưới góc nhìn nhà quản lý, thầy Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) trao đổi, về cơ bản phụ huynh và giáo viên luôn mong muốn có sự ổn định về cách thức thi tuyển sinh vào lớp 10; thay đổi nhiều sẽ khiến học sinh và phụ huynh tâm tư, lo lắng cũng như có những phản hồi thiếu tích cực.
Năm học 2023 – 2024 cũng là năm học cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên sự thay đổi nhiều quá cũng không hẳn là tốt đối với học sinh. Theo thầy Tùng, việc thi 3 môn đã đủ điều kiện để phân loại thí sinh. Điều này cũng giúp giảm áp lực đáng kể cho học sinh; tiết kiệm ngân sách Nhà nước để tổ chức thi cử cũng như tiết kiệm chi phí học hành. Đồng thời giảm áp lực cho cán bộ, thầy cô làm công tác tổ chức kỳ thi bao gồm coi thi, chấm thi, xét tuyển…
“Thi 3 môn ở năm học trước đã thành công và được nhiều phụ huynh, dư luận xã hội ủng hộ. Còn nếu thi 4 môn, ưu điểm thể hiện rõ nhất ở chỗ sẽ có thêm thông số đánh giá việc dạy và học của bộ môn đó trong mỗi trường và thành phố. Và tất nhiên, cũng không để học sinh lơ là, bỏ bê các môn còn lại để tập trung học 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”, thầy Nguyễn Quang Tùng phân tích.
Ngoài ra, thầy Tùng cũng cho rằng nên giữ nguyên cách thức nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn. Đề án Ngoại ngữ 2020 đã giúp việc dạy và học ngoại ngữ có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng tại Hà Nội, có nhiều sự khác biệt về địa lý, dân tộc ở những khu vực ngoại thành nên Ngoại ngữ vẫn là khó khăn với nơi xa trung tâm. Nếu không nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn thì vai trò của môn Ngoại ngữ sẽ tăng lên, chiếm 1/3 số điểm thi (thay 1/5 như trước) và sẽ bất lợi cho học trò vùng còn khó khăn.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho hay, dù theo phương án nào thì thành phố nên đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội chưa năm nào hết “nóng”, tính cạnh tranh ngày càng cao.
Dân số cơ học tăng trong khi số trường công lập chưa thể phát triển theo kịp. Bản thân ủng hộ phương án thi vào lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Trường THCS cần đảm bảo đủ kiến thức cơ bản các môn cho học sinh. Thầy cô giúp trò hình dung được cách lựa chọn các tổ hợp môn học khi vào lớp 10.