Nhiều người trữ đông trứng để có con sau này: Nên thực hiện trong trường hợp nào? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Được biết, đây là lần 2 , lần đầu là vào tháng 11/2022. Quản lý của cô chia sẻ, “Nữ hoàng nội y” có kế hoạch hút trứng 3 lần để gom khoảng 20 trứng. Sau đó sẽ trữ đông trứng cho yên tâm vì lúc làm còn có xác suất hỏng phôi.
Trong thực tế có nhiều ngôi sao cũng lựa chọn cách trữ đông trứng. Mặc dù đã có 2 con trai nhưng vợ chồng Đăng Khôi – Thủy Anh vẫn muốn có thêm con trong tương lai nên quyết định trững đông trứng. Cựu mỹ nhân TVB Diệp Tuyền vào năm 2014 cũng công khai sang Mỹ thực hiện trữ đông trứng. Năm 2019, Thái Trác Nghiên tiết lộ cô đã thực hiện trữ đông trứng lần thứ 2 ở tuổi 36…
Trữ đông trứng là gì?
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec), trữ đông trứng là một quá trình trong đó trứng hay noãn của người phụ nữ có nhu cầu sẽ được lấy ra khỏi cơ thể sau quá trình kích thích buồng trứng.
Bình thường, trong chu kỳ kinh nguyệt thường chỉ có một trứng phát triển vượt trội so với các trứng khác và được giải phóng ở giữa chu kỳ. Đây chính là thời điểm khi vợ chồng quan hệ tự nhiên có khả năng có thai cao.
Tuy nhiên, trong những chu kỳ nhân tạo như thụ tinh ống nghiệm hoặc chuẩn bị trữ đông trứng, bác sĩ điều trị sẽ cho thuốc nội tiết để kích thích và thu được nhiều trứng trong cùng một chu kỳ. Đây chính là sự khác biệt giữa chu kỳ tự nhiên và chu kỳ chuẩn bị trữ đông trứng.
Khi trứng phát triển đến một giới hạn nhất định, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật có gây mê, từ đầu dò siêu âm đi qua đường âm đạo, lấy hết các trứng ra và trữ lại.
Trữ đông trứng nên thực hiện trong trường hợp nào?
BS Chiến cho biết, trữ đông trứng được khuyến cáo thực hiện trong các trường hợp chưa có kế hoạch sinh con. Ví dụ như phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Như chúng ta biết, độ tuổi sinh sản tối ưu của người phụ nữ là 20-30 tuổi. Nhưng nhiều chị em do có những kế hoạch cá nhân như đang học tập, đang phấn đấu sự nghiệp, lo công việc cho gia đình… nên chưa sẵn sàng việc có con. Trong trường hợp này có thể thực hiện trữ đông trứng hoặc trữ đông phôi.
Trên thực tế, nếu so sánh khả năng sống của phôi hay trứng sau rã đông, giới chuyên môn khuyến cáo nên trữ đông phôi trong những trường hợp có thể. Ngoài ra khuyến cáo trữ đông trứng ở phụ nữ đơn thân, chồng đi làm xa, vì lý do y tế như nhiều bạn nữ còn trẻ không may bị ung thư… Những trường hợp như vậy nên được trữ đông trứng để bảo tồn khả năng sinh sản. Nguyên nhân bởi, việc hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư nói chung, dù ở bất cứ bộ phận nào, ít nhiều đều có khả năng ảnh hưởng đến sinh sản.
Ngoài ra cũng có nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chưa có kế hoạch có con, không may bị chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa liên quan đến buồng trứng, ví dụ như lạc nội mạc tử cung buồng trứng. Trong những bệnh lý như này, bác sĩ có chỉ định phẫu thuật thì cũng nên được tư vấn và thực hiện trữ đông trứng để bảo tồn khả năng sinh sản sau này.
Hút trứng để trữ đông có ảnh hưởng gì đến sức khỏe chị em không?
Việc hút trứng để trữ đông thường không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe người phụ nữ được thực hiện kỹ thuật này.
Đúng là có khá nhiều phụ nữ và cả những người trong gia đình băn khoăn, liệu việc kích trứng, hút trứng có thể làm suy giảm buồng trứng, để lại hậu quả lâu dài hay không. Thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh, việc trữ đông trứng không ảnh hưởng gì về lâu dài.
Theo BS Chiến, thông thường, trữ đông trứng sẽ có những ảnh hưởng tạm thời như sử dụng thuốc kích trứng để chuẩn bị cho việc lấy trứng và trữ đông, có thể gây buồn nôn, khó chịu, chướng bụng. Cũng có những trường hợp dự trữ buồng trứng cao như chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều, buồng trứng đa nang… có thể gặp phản ứng quá mức với thuốc kích trứng. Tuy nhiên có rất ít trường hợp như vậy trong thực tế.
“Còn lại, về lâu dài, quá trình chọc hút, kích trứng sẽ không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản của chị em cũng như khả năng dự trữ buồng trứng”, BS Chiến nói.
Như chúng ta đã biết, trong chu kỳ sinh sản tự nhiên, chỉ có một trứng trưởng thành vượt trội và được phóng ra ở giữa chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Trong chu kỳ nhân tạo cũng có thể nhiều trứng được kích lên và lấy ra cùng một lúc.
Mặc dù vậy, trên thực tế, đây cũng là những trứng, nếu không kích và lấy ra, thì cũng bị thoái triển, âm thầm mất đi trong cơ thể người phụ nữ. Do đó, việc kích trứng, lấy trứng không làm mất thêm nhiều hơn từ kho dự trữ nằm ở 2 bên buồng trứng của người phụ nữ.
Để tối ưu hóa tình trạng trữ đông trứng, tùy thuộc vào độ tuổi và thể trạng của người phụ nữ, bác sĩ lâm sàng sẽ khuyến cáo nên trữ bao nhiêu để đảm bảo có một em bé.
Khi trữ đông trứng với tạo phôi, trữ phôi thì thường sẽ cần số lượng trứng nhiều hơn để có thể đảm bảo sau này có một em bé thành công. Ví dụ người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tối ưu (20-30 tuổi) thì lượng trứng tối ưu để trữ là 10-15 trứng, đảm bảo sinh sản sau này.
Chi phí trữ đông trứng thường là bao nhiêu?
BS Chiến cho rằng, chi phí tùy thuộc vào tình trạng của từng chị em phụ nữ và cơ sở y tế thực hiện. Thông thường, chi phí được chia làm 2 phần. Một là chi phí thuốc nội tiết, dao động 20-30 triệu đồng. Ngoài ra còn có chi phí chọc hút, bảo quản, trữ đông… có thể khác nhau, dao động 20-50 triệu đồng. Như vậy, thông thường, tổng chi phí dao động 40-80 triệu đồng. Nếu có ý định trữ đông trứng, cần tìm hiểu và liên hệ các cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.