Lỡ uống thuốc tránh thai khi đang mang bầu
Hệ lụy từ việc thiếu hiểu biết
Trong thời gian mang thai, chị Nghĩa đã 3 lần uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi quan hệ tình dục. Bác sĩ cho biết, nếu muốn sinh con, chị Nghĩa phải thực hiện các biện pháp theo dõi, xét nghiệm thường xuyên để phát hiện các trường hợp dị tật thai nhi nếu có.
Một trường hợp khác là chị Hoàng Phương Dung (32 tuổi, Hà Nội) bị viêm gan mãn tính nhưng chị lại quên lời dặn của bác sĩ và thường uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau những lần quan hệ tình dục. Cho đến lần tái khám gần nhất, bệnh gan của chị đã trở nên nghiêm trọng.
Bác sĩ cho biết, thuốc tránh thai khi vào cơ thể bị phân hóa ở gan, sau đó bài tiết qua thận, làm tăng “gánh nặng” cho gan và thận, từ đó gây tổn thương nghiêm trọng đến quá trình bài tiết các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Lâu dần, bệnh viêm gan, viêm thận ngày càng nghiêm trọng, khó mà chữa trị.
Cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Theo bác sĩ Lê Huy Tuấn (Khoa sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội), thuốc tránh thai có chỉ định và chống chỉ định nên không phải ai cũng có thể sử dụng. Về khả năng tránh thai của thuốc cũng tùy loại và không có loại nào đạt hiệu quả tránh thai 100%. Về độ an toàn, tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Do vậy, khi sử dụng nếu thấy xuất hiện tác dụng phụ thì tùy mức độ mà có thể quyết định người phụ nữ có được tiếp tục sử dụng hay không.
Bác sĩ Tuấn cho biết, hiện nay các biện pháp tránh thai rất đa dạng. Đó là thuốc uống tránh thai hàng ngày loại kết hợp, thuốc uống tránh thai loại đơn thuần đòi hỏi người phụ nữ phải uống thuốc đều đặn và đúng giờ, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai, miếng dán tránh thai và thuốc uống tránh thai khẩn cấp. Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Phân tích các trường hợp không được dùng thuốc tránh thai, bác sĩ Lê Huy Tuấn nói: Bất cứ loại thuốc tránh thai nào cũng có chống chỉ định tuyệt đối và chống chỉ định tương đối. Chống chỉ định tuyệt đối là trường hợp hoàn toàn không được sử dụng thuốc tránh thai.
Ví dụ, đối với loại thuốc uống tránh thai hàng ngày loại kết hợp, tuyệt đối không được uống khi đang có thai hoặc nghi ngờ có thai, đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh. Và hàng loạt các trường hợp khác như người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch và đông máu, sắp phẫu thuật phải nằm trên 1 tuần, đau nửa đầu, đang bị ung thư vú, tiểu đường có biến chứng, đang bị bệnh gan nặng, có suy giảm chức năng gan trầm trọng…
Đối với thuốc tránh thai dạng tiêm cũng có những chống chỉ định tuyệt đối với người có thai, đang bị ung thư vú, có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc. Thuốc cấy tránh thai cũng chống chỉ định tuyệt đối với người có thai hoặc đang bị ung thư vú. Đối với thuốc uống tránh thai khẩn cấp, bác sĩ khẳng định, tùy loại thuốc mà có chống chỉ định khác nhau, nếu thuốc chỉ có đơn thuần là progestin thì phụ nữ có thai hoặc đang bị ung thư vú tuyệt đối không được dùng.
Ngoài các chống chỉ định tuyệt đối, còn hàng loạt các chống chỉ định tương đối mà người sử dụng cần biết để tránh gây hậu quả cho sức khỏe của bản thân cũng như của thai nhi (trong trường hợp đang mang thai).
“Đối với thuốc cấy tránh thai, chống chỉ định tương đối đối với người đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi. Người đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid. Ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân. Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại. Có tiền sử vô kinh hoặc kỳ kinh bất thường.
Phụ nữ có tiền sử kinh nguyệt không đều hoặc trên 45 tuổi không nên dùng Femplant. Cần cân nhắc với các trường hợp như có khối u ở vú; bệnh tiểu đường, huyết áp cao; có bệnh về mật, tim, hoặc thận; có tiền sử huyết khối, bệnh tim hoặc đột quỵ; trầm cảm, đau nửa đầu. Những trường hợp này cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn nếu muốn sử dụng”, bác sĩ Lê Huy Tuấn khuyến cáo.