Ghé thăm trường THCS CLC Nam Từ Liêm: Chương trình học chất lượng, học sinh luôn được tư vấn tâm lý kịp thời
Tọa lạc tại khu đô thị mới Xuân Phương, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, trường THCS Nam Từ Liêm được đầu tư xây dựng theo mô hình chất lượng cao. Tổng diện tích của trường là 8617m2, với sân trường rộng 1400m2, sân khấu ngoài trời rộng 120m2 để phục vụ các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động chung.
Trường có 32 phòng học, trang bị các thiết bị dạy học hiện đại như: máy tính, ti vi, máy chiếu Projector, bảng tương tác điện tử, điều hòa, quạt… Ngoài ra còn có các phòng học chức năng, phòng bộ môn phục vụ thực hành, thí nghiệm như phòng thực hành bộ môn Vật lý, Công nghệ; phòng thí nghiệm Hóa, Sinh; 03 phòng thực hành Tin học; 02 phòng học ngoại ngữ, phòng học bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật; 02 phòng chuyên đề.
Khu giáo dục thể chất của trường gồm phòng tập đa năng với tổng diện tích 1.100m2, có đủ dụng cụ luyện tập theo chương trình giáo dục thể chất; bể bơi trong nhà có tổng diện tích sử dụng là 1.100m2. Không chỉ vậy, trường còn có thư viện với diện tích 210m2 được chia thành 03 khu: Phòng đọc của học sinh, phòng đọc của giáo viên, kho sách.
Những năm qua, THCS Nam Từ Liêm luôn là một trong những ngôi trường cấp 2 “hot” nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mỗi mùa tuyển sinh, trường thu hút lượng lớn hồ sơ xét tuyển. Những em học sinh trúng tuyển đều có thành tích học tập xuất sắc và hạnh kiểm tốt.
Trong một dịp đến thăm THCS Nam Từ Liêm, tôi (PV) đã có cuộc trò chuyện với Nhà giáo Hoàng Thị Yến – Hiệu trưởng nhà trường. Qua những gì cô Yến chia sẻ, tôi phần nào hiểu được vì sao ngôi trường này lại được nhiều phụ huynh mong muốn, định hướng cho con theo học như vậy.
Chương trình học phong phú, không ngừng cải thiện để đáp ứng năng lực học tập của học sinh
Cô Yến tâm sự, có 2 yếu tố chính làm nên thành công của trường trong suốt những năm qua. Thứ nhất là con người, thứ 2 là chương trình. “Con người ở đây chỉ cả giáo viên và học sinh. Chúng tôi có đội ngũ giáo viên giỏi, vững chuyên môn, thường xuyên học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức học tập, ôn thi cho học sinh.
Về học sinh, chúng tôi có lợi thế là các em được tuyển chọn năng lực đầu vào. Chính vì thế, học sinh đã có năng lực học tập nhất định so với các bạn trường khác”, cô Yến tự hào chia sẻ.
Về yếu tố chương trình, THCS Nam Từ Liêm vẫn bám sát chương trình học của Bộ GD&ĐT nhưng đồng thời xây dựng, kết hợp nâng cao cho phù hợp với năng lực của học sinh, cũng như các yêu cầu, đòi hỏi của thực tế trong công tác giảng dạy và nhu cầu của xã hội.
Cụ thể hơn về chương trình học, cô Yến cho biết: “Nhà trường hiện tập trung vào chương trình chính khóa của Bộ và chương trình bổ sung nâng cao (do thầy cô nhà trường biên soạn) ở một số bộ môn như Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Khoa học Tự nhiên. Với chương trình của Bộ, chúng tôi cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp, khi trong các tiết học đều nâng cao lượng kiến thức ít nhất 20%.
Ngoài ra chúng tôi còn có chương trình bồi dưỡng HSG; bồi dưỡng các CLB dành cho các em yêu thích khoa học; chương trình bổ trợ ngoại ngữ 1 – học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài; chương trình bổ trợ ngoại ngữ 2 – tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung; chương trình rèn luyện kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế, chương trình liên kết,… Sự phong phú về chương trình học, thường xuyên cập nhật cả trong nước và quốc tế giúp học sinh phát triển toàn diện hơn, đáp ứng chính năng lực học tập của các con và nhu cầu của xã hội”.
Cô Yến chia sẻ, nhà trường luôn tìm kiếm những chương trình giáo dục mới, và các tổ chức giáo dục có thể hỗ trợ nhà trường, đồng thời tạo tâm thế hứng khởi cho giáo viên, học sinh tiếp nhận thay đổi trong việc giảng dạy, học tập.
Nơi học sinh được quan tâm, “bắt sóng” những bất ổn tâm lý kịp thời
Ngoài chương trình học, yếu tố hạnh phúc, chăm lo cho sức khỏe tinh thần của học sinh cũng là điều mà cô Hoàng Thị Yến nói riêng và tập thể giáo viên THCS Nam Từ Liêm nói chung rất chú trọng.
Thực tế khi lựa chọn thi vào trường, chính học sinh và gia đình đã có một áp lực nhất định Bởi học sinh sẽ phải trải qua các vòng thi đầu vào với tỷ lệ chọi cao. “Khi các em đã vào được trường, chúng tôi tổ chức nhiều sân chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, STEM,… kết hợp vừa học vừa chơi. Các hoạt động huấn luyện kỹ năng sống cũng diễn ra thường xuyên như kỹ năng tự bảo vệ bản thân, vượt qua âu lo,… cũng được tổ chức thường xuyên”, cô Yến cho hay.
Ở THCS Nam Từ Liêm, mối quan hệ thầy trò không xa cách mà luôn gần gũi, thân thiện như những người bạn. Các thầy cô sẵn sàng, tâm sự giao lưu với học trò, lắng nghe những chia sẻ “tuổi ô mai” của các em.
Cô Yến vui vẻ nhắc tới “Phòng tham vấn học đường” của nhà trường – một địa điểm được học sinh tin tưởng chọn làm nơi “chữa lành tâm hồn”. Ở đây, các em có thể thoái mái nhỏ to những khúc mắc, tâm sự từ chuyện học hành đến tình cảm, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè,… và được thầy cô (có chuyên môn tâm lý vững) giúp gỡ rối, giữ kín thông tin tuyệt đối.
“Có những trường hợp, học sinh bị áp lực học tập quá mức. Không phải do gia đình, thầy cô mà chính các em tự đặt ra áp lực phải thi đỗ trường THPT chuyên. Một số em nghĩ đến việc tự làm tổn thương bản thân nếu kết quả học tập không như mong muốn.
Ngay khi phát hiện, thầy cô phòng tham vấn đã kịp thời lắng nghe, tư vấn cho các em xác định lại mục tiêu phấn đấu, con đường học tập phù hợp với năng lực bản thân, cũng như nhận thấy cuộc sống còn nhiều con đường, lựa chọn tốt đẹp, không nhất thiết phải thi vào trường chuyên. Thầy cô kết hợp với gia đình để quan tâm, động viên và may mắn là các em đã vượt qua được”, cô Yến kể lại.
Với những trường hợp gia đình tạo áp lực quá mức cho học sinh khiến các em phản kháng không chịu trò chuyện, giao tiếp với cha mẹ, phòng tham vấn cũng can thiệp kịp thời giúp đôi bên thấu hiểu nhau hơn.
Thời điểm phải học trực tuyến vì dịch, một học sinh của trường đã tiếp cận với những trang web có nội dung 18+. Ở độ tuổi tò mò, muốn khám phá bản thân, các vấn đề giới tính, em ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý. Khi đi học trở lại, em bị ám ảnh về những hình ảnh 18+, dẫn đến kết quả học tập sa sút.
Tin tưởng vào phòng tham vấn, học sinh này đã tìm đến, chia sẻ với thầy cô và được phân tích kỹ lưỡng về chủ đề giáo dục giới tính. Đồng thời, thầy cô cũng gợi ý cho em những hoạt động phù hợp với lứa tuổi, để em có thể quên đi những hình ảnh nhạy cảm.
“Sau đó, em này đã thi đỗ vào 1 trường THPT chuyên và 1 trường THPT công lập không chuyên có tiếng của Hà Nội”, cô Yến không giấu được niềm tự hào.
Cô Hoàng Thị Yến chia sẻ về phòng tham vấn học đường
Thay đổi từ những điều nhỏ để tạo nên một “ngôi trường hạnh phúc”
Như đã nói ở trên, hạnh phúc là yếu tố được trường THCS Nam Từ Liêm chú trọng vun đắp cho học sinh. Để tạo nên một “ngôi trường hạnh phúc”, Nhà trường thay đổi, cải cách từ những điều nhỏ, một trong số đó là hoạt động họp phụ huynh.
Nếu trước đây, cuộc họp phụ huynh chỉ đơn giản là buổi làm việc, trao đổi giữa thầy cô và cha mẹ thì giờ nó được chuyển thành buổi giao lưu, gắn kết, chia sẻ và có sự góp mặt của chính học sinh. Ngoài phần giáo viên trao đổi về tình hình của lớp, các buổi họp còn có những hoạt động cho học sinh được tham gia, trình bày và chia sẻ với cha mẹ.
Từ đó, cha mẹ – con cái, cha mẹ – thầy cô và thầy cô – học sinh hiểu nhau hơn. Qua đó, việc học tập của học sinh được cải thiện, cha mẹ – thầy cô có thể hỗ trợ nhau nhiều hơn trong việc giáo dục con em mình.
Không phải chỉ có luyện thi “gắt” thì mới đỗ THCS Nam Từ Liêm
Những năm gần đây, cuộc đua vào lớp 6 các trường chất lượng cao ở Hà Nội được đánh giá rất căng thẳng, với các yêu cầu cao về đầu vào, học bạ. Trong các nhóm phụ huynh trên MXH, không ít người chia sẻ chuyện cho con đi luyện thi từ… lớp 1 để có thể đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh.
Với cương vị là Hiệu trưởng trường THCS Nam Từ Liêm – một trong những trường chất lượng cao ở Hà Nội, cô Yến cũng có những chia sẻ. Cô cho biết: “Số lượng trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế. Với chất lượng đầu ra tương đối cao, tạo được niềm tin thì việc phụ huynh có nhu cầu cho con thi vào các trường này tương đối chính đáng. Vì vậy có thể hiểu được vì sao nhiều phụ huynh cho con tham gia các lớp luyện thi”.
Tuy nhiên, trên thực tế khi tổng kết tuyển sinh lớp 6 vào trường THCS Nam Từ Liêm, cô Yến nhận thấy, không phải học sinh nào cũng đi luyện thi. Có rất nhiều em chỉ học ở trường và tự học thêm ở nhà, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của bố mẹ.
Chính vì vậy, cô Yến nhận định, điều quan trọng nhất là năng lực, cũng như việc xây dựng, hình thành cho học sinh khả năng tự học, tự nghiên cứu, nền nếp học tập trong chính gia đình, phối hợp chặt chẽ với việc học tập trên trường.
Cô Hoàng Thị Yến nói về tuyển sinh đầu vào trường CLC
“Làm sao để giảm tải áp lực áp lực tuyển sinh vào lớp 6 các trường chất lượng cao, đây là một vấn đề khó để trả lời. Bởi như đã nói ở trên, nhu cầu của phụ huynh ngày càng cao, trong khi số lượng trường còn hạn chế. Tôi nghĩ rằng việc tiếp tục phát triển mô hình trường chất lượng cao cũng là một hướng đi, hoặc phát triển quy mô, số lượng lớp trong từng trường.
Tuy nhiên, đây là bài toán của cả xã hội, của cả chính quyền, không riêng của trường chất lượng cao nào”, cô Yến cho hay.