“Đau Nam chữa Bắc” – Nguyên tắc học tiếng Anh được thầy giáo gợi ý giúp trình độ của bạn lên “vèo vèo”
Bạn có từng nghe, muốn chữa đau dạ dày hoặc đau bụng, đau đầu thì có thể bấm huyệt ở chân và tay? Nhiều thế kỷ trước, phương Tây rất lạ lẫm và nghi ngờ điều này. Nhưng giờ thì họ đã công nhận. Bấm huyệt mát xa từ lâu đã được coi là một trong những phương pháp cực kỳ hiệu quả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Tại sao học tiếng Anh lại nói chuyện chữa bệnh và bấm huyệt? Theo thầy Đỗ Cao Sang, giáo viên tiếng Anh, tác giả của English Lights Your Homes (tự học tiếng Anh) thì chúng thực ra có sự liên quan với nhau.
Muốn giao tiếp tiếng Anh giỏi thì không nên chỉ trông chờ vào các hoạt động quá náo nhiệt, ầm ào, vồn vã trong một khóa cấp tốc. Đừng để tri giác của bạn lừa dối bạn. Những khóa giao tiếp cấp tốc chỉ giải quyết được tiếng Anh du lịch mua sắm tầm phào, lặt vặt.
“Bạn có bao giờ hỏi tại sao thi TOEFL (ngày xưa) chỉ cho thi đọc và nghe? Hay thi TOEIC bây giờ cũng chỉ có đọc và nghe? Rất nhiều dịch vụ khảo thí năng lực ngôn ngữ của Hoa Kỳ chỉ thi đọc và nghe. Điều này không phải vô cớ vì các kỹ năng ngôn ngữ có tính liên đới, liên thông rất cao.
Cũng như chữa bệnh dạ dày bằng huyệt ở tay, “đau Nam chữa Bắc”, khi học tiếng Anh, bạn muốn viết và nói giỏi một cách đúng nghĩa thì hãy luyện nghe và đọc thật nhiều. Đọc và nghe chiếm 8 phần thời gian học thì viết và nói chỉ cần 2 phần thời gian. Đây chính là nghệ thuật học tiếng Anh”, thầy Sang nói.
Nghe gì để nhanh giỏi tiếng Anh?
1. Nghe bản tin thời sự quốc tế tiếng Anh trên CNN10.
2. Nghe kênh thế giới động vật, kênh National Geographic.
3. Nghe các bộ phim kinh điển.
4. Nghe bài hát tiếng Anh kinh điển.
5. Nghe các bài diễn văn nổi tiếng của chính trị gia Mỹ.
6. Nghe TED – Ideas worth to share.
Thầy Sang lưu ý: “Đã nghe và đọc thì phải nghe đọc cho thấu đáo và kỹ càng. Không nên hời hợt, qua loa. Thà nghe một bài diễn văn 100 lần còn hơn nghe 100 bài diễn văn khác nhau. Đây không phải là quan điểm của tôi mà tất cả các cây đại thụ ham nghiên cứu đương thời và trước đây đều khuyên như vậy: Ông Nguyễn Duy Cần, ông Nguyễn Hiến Lê, ông Lý Tiểu Long, ông Franklin, ông Newton, ông Einstein. Đã làm gì thì nên làm chỉn chu, thấu đáo và nghiêm cẩn. Đó là nguyên tắc của thành công trong học tập.
Đương nhiên cũng nhắc nhở lại, từ vựng là then chốt của mọi loại ngôn ngữ. Nghe và đọc giúp ta tích lũy cụm từ vựng nhưng ngược lại, tích lũy cụm từ vựng nhiều sẽ giúp quá trình nghe và đọc thuận lợi hơn”.
Hãy nắm rõ và làm theo nguyên tắc 3E (Every where, Every time, Every thing)!
Nếu bạn nghĩ học tiếng Anh là chỉ cần chăm chỉ học trên lớp, hoàn thành trách nhiệm trên lớp thì thật sai lầm. Ngôn ngữ là văn hóa. Tiếng Anh cũng như vậy. Ta cần học ở mọi nơi, mọi lúc và từ mọi thứ. Đi đường nhìn biển báo, cầm hộp bánh hộp kẹo trên tay chúng ta cũng hoàn toàn có thể học được tiếng Anh. Ghi lại từ chưa biết, tra từ điển và học thuộc. Học ngôn ngữ, do đó, giáo trình, lộ trình không có nhiều ý nghĩa.
Hãy nắm rõ và làm theo nguyên tắc 3E (Every where, Every time, Every thing)!
Học tiếng Anh là hoàn toàn chủ động và tự học. Luôn nghĩ mình đang học tiếng Anh, gặp bất cứ điều gì, cái gì cũng tự hỏi trong tiếng Anh sẽ là thế nào. Cứ như vậy, ta duy trì bền bỉ nhiều năm, nhiều tháng thì đó mới là cách làm đúng đắn. Thầy cô giáo không thể giúp bạn nhồi chữ vào đầu mà chỉ có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho bạn tự học mà thôi!
Ngôn ngữ là thứ vô cùng thích hợp để tự học, phải tự học, nên tự học và chỉ có thể tự học. Nó vốn không cần giải thích hoặc suy luận gì cao siêu. Nó chỉ cần nghe người ta nói (viết) rồi tập theo sao cho giống. Bởi vậy, vai trò của thầy hướng dẫn không quá lớn, nhất là trong thời đại công nghệ đa dạng và thuận lợi như ngày nay.
Cha mẹ, người lớn nên giúp con cái tự học ngoại ngữ bằng cách cổ vũ, đố vui mỗi ngày 20 phút tối thiểu. Ta cũng có thể tạo điều kiện cho con học bằng cách mua sách báo tiếng Anh, mở kênh tiếng Anh và tập nghe cùng con. Với tài liệu, công cụ phù hợp, với thái độ nghiêm túc, người lớn đồng hành giúp trẻ em học tiếng Anh là hoàn toàn có thể.