Cho con thoải mái tiêu tiền trong 2 tuần
Chị Giang lựa chọn dạy con kiếm ra tiền với 2 mục đích: Thứ nhất để con biết rằng tiền không tự dưng mà có, không dễ có nên con biết quý trọng tiền, không lãng phí. Thứ hai, con chỉ có thể cho ai đó tiền nếu con kiếm ra tiền.
Chị Giang cho con bán nước trước cổng trường thi từ khi con 6 tuổi. Mỗi tối, con đi nhặt đồng nát có thể kiếm được 10 nghìn. Hè vừa rồi, con đi bán đồ cũ 4 chủ nhật liên tiếp, con được chia khoảng 400 nghìn đồng… Chưa bao giờ con kiếm được số tiền nhiều thế nên vui mừng, hồ hởi lắm, bao nhiêu kế hoạch vẽ ra trong đầu, kể lể suốt chặng đường đi về.
Lần này, con lên lớp 4, nghe con dự định mua cái này, cái kia nhưng chị Giang không bắt con phải tiết kiệm hay phải để dành nữa mà nói rằng: Tiền này của con, con cứ chủ động chi tiêu, sao cho hợp lý là được. Nhưng chị biết tụi nhỏ sẽ chỉ thích đồ chơi, sticker, Lego, con quay, ô tô… Quả thực, con trai mua về 3 bộ xếp hình trong một ngày. Chị Giang vẫn nín nhịn, cứ đợi con tiêu hết, thật nhanh cũng không sao, rồi sẽ cùng con rút ra bài học về cách chi tiêu.
Sau 2 tuần, cu cậu chỉ còn hơn 100 nghìn, chợt muốn mua ván trượt vì thấy bạn hàng xóm có nhưng không đủ tiền, con có bài học cho sự chi tiêu không có kế hoạch, nên không mua được cái mình thích.
Chị Giang giải thích với con: Mẹ có thể cho tiền để con mua sách, vở, đồ dùng học tập. Nhưng mua ván trượt là ý thích của con, con tự giải quyết. Con có patin rồi, sao cần ván trượt nữa? Lego con có khá nhiều rồi, sao vẫn mua thêm? Nếu con biết chi tiêu hơn thì tiền của con có thể làm được nhiều điều con muốn. Đợi con suy nghĩ mấy ngày về các câu hỏi đó, thỉnh thoảng chị có nhắc lại nho nhỏ chứ không đao to búa lớn hay mắng mỏ gì con, chỉ là muốn con ghi nhớ kĩ. Cuối cùng, con đề nghị cho con vay số tiền còn thiếu để mua ván trượt và sẽ trả lại số tiền đã mượn trong thời gian tới.
Những bài học nho nhỏ ấy đã làm dày thêm hành trang cho con biết trân trọng đồng tiền và biết cách tiêu tiền thông minh.