Buổi tối đắp lá bắp cải giúp giảm đau
Lá bắp cải đem đắp tuyến giáp, mắt cá chân, đầu, ngực… trước khi đi ngủ giúp giảm đau hiệu quả
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trong Đông y, bắp cải có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng hòa huyết, thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm thấp, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, giải độc, lợi niệu. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong bắp cải rất giàu hàm lượng vitamin A, B, đặc biệt chứa nhiều chất chống ung thư như sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol-33 carbino…
Đặc biệt, trong loại rau này còn có một chất giúp chống viêm và giảm đau rất hiệu quả. Việc sử dụng bắp cải để chữa đau nhức, đau hạch, đau vùng ngực do cho con bú… là một kinh nghiệm thực tế. Nó đặc biệt hữu ích với phụ nữ. Chị em thường xuyên xỏ dép cao gót bị đau nhức mắt cá chân, đau chân, tuyến giáp sưng đau khi chuyển mùa, đau đầu khi trái gió trở trời, đau ngực vì cho con bú… đều có thể dùng lá bắp cải đắp lên để giảm đau nhanh chóng. Ngoài việc dùng lá bắp cải đắp lên các vị trí cần giảm đau, ThS.BS Hoàng Khánh Toàn gợi ý thêm những cách khác.
“Chị em có thể ép lá bắp cải để lấy nước uống, còn bã thì đắp lên vùng bị đau nhức, cả hai việc này đều hỗ trợ giảm đau hiệu quả cho các bệnh như đau khớp, đau chân tay, đau do bệnh gút, đau dây thần kinh tọa… Những chứng đau nhức này rất phổ biến vào mùa lạnh.
Ngoài ra, bạn có thể lấy lá bắp cải hơ nóng, đắp vào mỗi chỗ đau 3-4 miếng, sau đó dùng băng cố định bên ngoài, ngủ qua đêm. Việc hơ nóng lá bắp cải giúp khu vực được đắp lên sẽ giãn mạch, tăng cường tuần hoàn tại chỗ, giải phóng các chất gây đau ở tại ổ viêm. Đồng thời sẽ làm cho những chất từ lá bắp cải thẩm thấu qua da, tác động vào vùng bệnh và phát huy tác dụng giảm đau, chống viêm tốt hơn”, chuyên gia chia sẻ.
Chuyên gia khuyên nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ vì đây là thời điểm cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, tạo điều kiện tối đa cho các tổn thương trong cơ thể được chữa lành, hồi phục nhanh và hiệu quả nhất. Một giấc ngủ kéo dài đủ để lá bắp cải phát huy công dụng giảm đau tại những vị trí được đắp lên.
Ngoài giảm đau, bắp cải được Đông y dùng để trị nhiều bệnh
– Chữa ho, đờm: Bắp cải ép lấy nước, có thể pha thêm mật ong và uống nhiều lần trong ngày, mỗi ngày 80-100g.
– Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Cách dùng cũng là ép lấy nước, pha thêm mật ong và uống nhiều lần trong ngày.
– Chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng: Uống nước ép bắp cải. Việc này sẽ giúp chóng lành các vết loét, nhất là vết loét của dạ dày, ruột. Nguyên nhân bởi trong nước ép bắp cải có rất nhiều vitamin U, có lợi cho việc chữa lành các vết thương dạ dày và tá tràng.
– Chữa táo bón: Bạn có thể luộc ăn hoặc ép lấy nước uống đều có thể cải thiện chứng bệnh này.
– Chống rối loạn lipid máu, béo phì: Chế độ ăn của những đối tượng thừa cân, béo phì cần bổ sung bắp cải với nhiều dạng khác nhau như xào, luộc, ăn sống, uống sinh tố…
– Phòng chống ung thư: Trong bắp cải có chứa sinigrin, có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư.
– Chữa xuất huyết như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, trĩ…
– Phòng chống và chữa trị bệnh gút: Bắp cải giúp đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.
– Ngoài ra nước ép bắp cải có thể chữa viêm họng, viêm phế quản, khàn tiếng, nhiễm nấm ngoài da…
3 lưu ý quan trọng khi dùng lá bắp cải để giảm đau, chữa bệnh
Lá bắp cải là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, không chứa chất độc dù bạn uống trong hay đắp ngoài. Tuy nhiên, khi sử dụng trong chữa bệnh, chuyên gia lưu ý:
– Khi hơ nóng lá bắp cải không nên để nóng quá rồi đắp vào vùng đau nhức vì rất dễ gây bỏng.
– Khi mua ngoài chợ, cửa hàng, bắp cải có thể sử dụng chất bảo quản, hóa chất độc hại. Do đó, nếu bạn dùng bắp cải để ép lấy nước uống thì nên ngâm với nước muối khoảng 1 giờ, sau đó để ráo nước rồi mới nghiền nát, lấy nước uống.
– Với những người thể tạng hư hàn, hay bị đi ngoài, đau bụng do lạnh, khi ăn bắp cải phải kèm với gừng tươi. Bạn có thể cho gừng tươi vào rau luộc hay nước ép để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa.