Bi kịch khi có một người mẹ thích kiểm soát

“Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”.

Tuổi thơ là khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người. Nó chứa đựng những ước mơ, góp phần tạo dựng nên sự trưởng thành và hình thành cảm xúc của chúng ta. Dù là tình yêu thương ấm áp hay những trải nghiệm đau thương, nó cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời con người.

Trong đó người mẹ đóng vai trò quan trọng trong thời thơ ấu. Lời nói, hành động, tình yêu thương và sự dạy dỗ của mẹ sẽ lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí mỗi người, tác động đến cảm xúc và sự phát triển hành vi của con trong tương lai. Tuy nhiên không phải ai cũng có một tuổi thơ trọn vẹn và hạnh phúc. Trong quá trình lớn lên, một số người không may có người mẹ thích kiểm soát, khiến cả cuộc đời của họ bị huỷ hoại.

Câu chuyện được hé lộ trong bộ phim tài liệu về Sulli – Dear Jinri là một ví dụ.

Điều thực sự huỷ hoại một con người không phải gia đình tan vỡ mà là người mẹ độc hại- Ảnh 1.

Sulli

Bố mẹ ly hôn khi mới 7 tuổi, Sulli luôn lo lắng mẹ cũng sẽ bỏ đi giống như bố nên luôn cố gắng làm hài lòng mẹ. Ngược lại, mẹ Sulli, với những mong muốn quá mức về con gái, đã định hướng cho cô bé tham gia làng giải trí từ rất sớm. Cô gái nhỏ khi đó không biết làm gì khác ngoài nghe lời.

Thời gian thực tập sinh là lúc Sulli ở tuổi dậy thì, cần sự quan tâm của mẹ hơn ai hết nhưng cô chỉ có một mình ở Seoul. Đáp lại sự bất an của con gái, mẹ cô gửi cho cô một con gấu bông để ôm mỗi tối. Đến tận khi Sulli qua đời, con gấu bông rách rưới vẫn nằm trên giường, cùng cô trải qua vô số đêm vật vã.

Điều thực sự huỷ hoại một con người không phải gia đình tan vỡ mà là người mẹ độc hại- Ảnh 2.

Con gấu bông vẫn luôn ở cạnh Sulli từ khi còn là thực tập sinh đến lúc qua đời

Đương nhiên, chuyện yêu đương của Sulli cũng nằm trong sự kiểm soát của mẹ. Năm 2014, khi tròn 20 tuổi, cô gặp Choiza – người yêu hơn cô 14 tuổi. Mối tình khiến Sulli cảm thấy vết thương ấu thơ được hàn gắn lại không được ai chúc phúc. Cả thế giới, cả mẹ của Sulli!

Trong khoảng thời gian đó, lần đầu tiên Sulli đề nghị với mẹ rằng muốn tự quản lý thu nhập. Cô ra mắt công chúng năm 14 tuổi và tham gia nhóm nhạc nữ đình đám năm 15 tuổi nhưng toàn bộ thu nhập đều đưa cho mẹ, chỉ giữ lại một ít làm chi phí sinh hoạt của bản thân.

Điều này khiến mẹ cô tức giận. Bà không hiểu con gái mình, thô lỗ cho rằng tình yêu của con gái là sự nổi loạn nhất thời. Bà tức giận với mối quan hệ của Sulli và Choiza, với việc con gái muốn tự quyết định cuộc sống của mình. Trong cơn giận dữ đó, bà quyết định cắt đứt quan hệ mẹ con với Sulli, họ không gặp lại nhau cho đến ngày cô tự sát.

Sau cùng, với mẹ, Sulli chỉ là một đứa con gái không vâng lời.

Điều thực sự huỷ hoại một con người không phải gia đình tan vỡ mà là người mẹ độc hại- Ảnh 3.

Mẹ Sulli

Những người mẹ kiểm soát thường lo sợ con mình sẽ mất đi nhu cầu gắn bó và sự phụ thuộc vào họ. Đồng thời họ bị dày vò bởi những bất an nội tâm và lo sợ về sự bấp bênh của cuộc sống. Để có được cảm giác an toàn và ổn định, họ thỏa mãn nhu cầu của bản thân bằng cách kiểm soát con cái.

“Dù bao nhiêu tuổi thì cũng phải nghe lời mẹ. Dù sao thì mẹ cũng là người sinh ra con”

“Con còn nhỏ, không hiểu gì…”

“Con phải nghe mẹ! Trứng mà đòi khôn hơn vịt à?”

Bạn có thấy những câu này quen thuộc không? Xung quanh chúng ta quả thực có nhiều người mẹ luôn cố gắng kiểm soát cuộc sống của con mình bằng những câu “thần chú” như vậy. Dù là những thứ nhỏ nhặt như ăn uống, quần áo, bạn bè đến chuyện đại sự như chọn ngành nghề, kết hôn,… mẹ đều phải can thiệp.

Nếu chỉ là đưa ra lời khuyên thì cũng có thể hiểu được vì xét cho cùng, trên đời này không ai lo lắng cho con cái nhiều như bố mẹ. Nhưng điều đáng sợ nhất chính là những phụ huynh có ham muốn kiểm soát mãnh liệt. Chỉ cần đứa trẻ chống cự một chút, người mẹ sẽ mắng mỏ một cách nặng nề hơn, cho rằng đứa trẻ không biết suy nghĩ, rằng “mẹ làm điều này cũng chỉ vì lo cho con”.

Tuy nhiên kiểu kiểm soát này thường khiến trẻ mất khả năng suy nghĩ và sống độc lập, gây tổn hại đến sự phát triển nhân cách và tự tin của trẻ. Khi cảm thấy không thể thoát khỏi môi trường áp lực cao này, trẻ mất dần hứng thú và ý tưởng, lúc nào cũng thấy chán nản và áp lực.

Điều thực sự huỷ hoại một con người không phải gia đình tan vỡ mà là người mẹ độc hại- Ảnh 4.

Có một sự thật mà ai cũng phải hiểu, dù là con cái hay bố mẹ, mỗi người trước hết đều là những cá nhân độc lập, có cá tính riêng và không dễ bị người khác trói buộc. Khi con cái lớn lên, khả năng tự nhận thức sẽ dần hoàn thiện và có tư duy độc lập nên nếu người mẹ kiểm soát mù quáng sẽ dễ dẫn đến tâm lý nổi loạn.

Vì vậy mối quan hệ tốt nhất giữa bố mẹ và con cái nên là hoà hợp và hỗ trợ lẫn nhau nhưng độc lập. Khi cả hai bên đều học được cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, cho nhau không gian riêng, mối quan hệ sẽ trở nên thân thiết và tốt đẹp hơn.

Nguồn: Toutiao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *