Bác sĩ da liễu tiết lộ 3 vị trí rất bẩn trên cơ thể nhưng lại dễ bị “bỏ quên” khi tắm
Trước đây, đã có không ít tranh luận xung quanh việc “rửa chân khi tắm”. Theo một luồng ý kiến, tắm dưới vòi hoa sen thì không cần rửa chân. Một quan niệm khác phản đối và cho rằng bụi bẩn ở bàn chân sẽ không được loại bỏ triệt để nếu bạn chỉ ngâm trong nước.
Trong khi chúng ta nghĩ rằng chuyện tắm rửa là bản năng, cứ tắm là sạch thì tranh luận về rửa chân khi tắm đã đem lại một suy nghĩ khác về chuyện “tắm đúng cách”.
Theo các bác sĩ da liễu và bác sĩ y học gia đình tại Đại học George Washington (GW) – Mỹ, trong khi tắm, nhiều người trong chúng ta thường bỏ qua 3 bộ phận hay khu vực cơ thể. Đáng nói, những khu vực này có thể chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả một số loại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 9 trên tạp chí Frontiers in Microbiology, Giáo sư, Tiến sĩ Keith Crandall, tác giả của nghiên cứu và các đồng nghiệp giải thích rằng: Khi những vùng ẩm ướt, nhờn như thế này trên cơ thể không được làm sạch thường xuyên, nó sẽ tạo cơ hội cho một số vi khuẩn phát triển và có khả năng dẫn đến các bệnh về da như chàm hoặc mụn trứng cá.
3 vị trí trên cơ thể cần được chú ý làm sạch khi tắm nhưng nhiều người hay “bỏ quên”
– Sau tai
Bất cứ nơi nào có nếp nhăn hoặc nếp gấp, như sau tai, đều có thể giữ lại bã nhờn, tế bào da chết và các chất bẩn gây kích ứng da. Sự tích tụ các chất này có thể dẫn đến tình trạng viêm da. “Bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào của da đều có thể dẫn đến các vết nứt trên hàng rào bảo vệ da tự nhiên, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng”, các bác sĩ cho biết.
Tương tự như vậy, nếu bạn không rửa sau tai thường xuyên, bạn có thể nhận thấy da ở khu vực đó trở nên nhạy cảm hoặc bị kích thích, thậm chí phát triển bệnh chàm. Cuối cùng là mùi. Bạn có tuyến mồ hôi phía sau tai nên mồ hôi sẽ được tiết ra. Mồ hôi khi tiếp xúc với vi khuẩn có thể bắt đầu có mùi theo thời gian.
– Giữa các ngón chân
Mặc dù hầu hết nước và xà phòng từ vòi sen có thể chảy qua bàn chân, ngón chân trước khi tắm nhưng điều này không đủ làm sạch các khu vực giữa các ngón chân của bạn.
Vì vùng da giữa các ngón chân không tiết ra nhiều dầu như các vùng khác trên cơ thể nên hậu quả của việc không rửa sạch ở đây có thể dẫn đến nấm móng.
Các bác sĩ cũng chỉ ra rằng bàn chân của chúng ta có xu hướng đổ mồ hôi nhiều, mồ hôi đọng lại vì đi giày nên có thể dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Bạn có thể mắc bệnh nấm bàn chân – một bệnh nhiễm nấm da thường xảy ra ở giữa các ngón chân – với các triệu chứng như ngứa, bong tróc, đóng vảy, da phát ban hoặc nứt nẻ…
Không rửa kẽ chân thường xuyên cũng có thể dẫn đến viêm da do vi khuẩn hoặc viêm mô tế bào, một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn có thể lây lan sang chân.
– Bên trong rốn
Ngoài tối tăm, ẩm ướt, rốn còn có nhiều nếp gấp da, tạo môi trường lý tưởng cho sự tích tụ của tế bào da chết, mồ hôi và các vi sinh vật khác như vi khuẩn, nấm. Điều này không chỉ gây ra mùi hôi mà có thể khiến vùng da đó dễ bị nhiễm trùng – phổ biến nhất là nhiễm trùng tụ cầu khuẩn và nấm men.
Theo Laura Purdy, một bác sĩ y học gia đình có trụ sở tại Miami, người không tham gia nghiên cứu của GW, làm sạch tất cả các vùng da trên cơ thể khi tắm là điều hết sức cần thiết, nhất là với những vùng da “khó tiếp cận” và ” những nơi dễ quên” như sau tai, giữa các ngón chân và bên trong rốn.
Cô giải thích: “Tắm giúp chúng ta loại bỏ bụi bẩn, mùi hôi và các chất gây dị ứng tích tụ trên da suốt cả ngày. Nhưng tắm cũng loại bỏ các tế bào da chết, mồ hôi và dầu tự nhiên trên da của cơ thể bạn. Da của bạn cũng có thể chứa một số vi khuẩn, virus hoặc nấm, vì vậy việc vệ sinh sạch sẽ những vùng này là điều quan trọng để làm sạch cơ thể nói chung”.