4 hành động cha mẹ vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của con
Nhìn chung, lòng tự trọng ảnh hưởng lớn đến cách trẻ nhìn nhận bản thân, điều này hình thành nên hành vi và quyết định của chúng sau này.
Cha mẹ yêu thương con cái nhưng đôi khi có thể làm tổn thương lòng tự trọng của con mình mà không hay biết. Điều này xuất phát từ sự đánh giá sai lầm của cha mẹ. Chúng có thể tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của con cái.
Để tránh những sai lầm này, trước tiên cha mẹ cần biết mình sai ở đâu và những cái sai ấy tác động tiêu cực như thế nào đối với trẻ.
Bài viết này dành cho các bậc cha mẹ đang muốn học hỏi và phát triển bản thân trong quá trình nuôi dạy con. Hầu như các bậc cha mẹ đều từng trải qua một vài sai lầm đối với con cái dẫn đến hậu quả là những nỗi đau mà họ phải mang theo suốt cuộc đời.
Giới chuyên gia khuyến khích các bậc cha mẹ nên trân trọng tất cả những điểm mạnh và hạn chế của con. Dưới đây là 4 kiểu hành vi cha mẹ vô tình làm suy giảm lòng tự trọng của con.
Phê bình gay gắt
Bị cha mẹ chỉ trích có thể là một thử thách về mặt cảm xúc đối với trẻ, đặc biệt nếu hành vi đó được thực hiện một cách khắc nghiệt hoặc hạ thấp phẩm giá.
Thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ hay chỉ trích đều đang phải vật lộn với những lo lắng luôn thường trực trong tâm trí và điều đó lấn át cả tình thương đúng đắn họ dành cho con.
Những lời nhận xét chỉ trích có thể làm xói mòn lòng tự trọng và ý thức về giá trị của trẻ, từ đó gây ra cảm giác buồn bã, tức giận hoặc thất vọng. Những lời quở trách gay gắt này cũng có thể khiến trẻ giảm động lực và thiếu tự tin vào khả năng của mình.
Bảo vệ con quá mức
Việc liên tục bảo vệ trẻ khỏi những thử thách và trở ngại có thể ngăn cản chúng phát triển sự tự tin và ý thức về năng lực.
Mặc dù cha mẹ nào cũng muốn làm tất cả những gì tốt nhất để đảm bảo con cái mình không phải chịu đau khổ trong cuộc sống, nhưng trớ trêu thay, họ vô tình bóp nghẹt con mình bằng cách quá kiểm soát.
Bảo vệ quá mức cũng có thể hạn chế cơ hội khám phá, học hỏi và mắc lỗi, những điều này đều quan trọng đối với sự trưởng thành và phát triển của trẻ.
Hơn nữa, việc bảo vệ trẻ quá mức có thể dẫn đến cảm giác lo lắng và bất an vì chúng không cảm thấy sẵn sàng để tự mình đối mặt với thế giới, thậm chí tạo ra cảm giác phụ thuộc và thiếu độc lập, điều này gây ra nhiều rắc rối khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.
Cha mẹ cần đạt được sự cân bằng giữa việc bảo vệ con mình và cho phép chúng chấp nhận rủi ro cũng như đối mặt với thử thách, để giúp chúng phát triển thành những cá nhân tự tin, tự lập.
Khuyến khích sự độc lập, nuôi dưỡng lòng tự trọng và dạy các kỹ năng giải quyết vấn đề đều có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bảo vệ quá mức.
Gieo rắc cảm giác tội lỗi
Bạn có thể hỏi trẻ xem chúng sẽ cảm thấy thế nào nếu ở trong hoàn cảnh của bạn hoặc của người khác trong một tình huống nhất định. Tuy nhiên, cha mẹ thường xuyên đẩy điều này đến giới hạn và cố gắng làm cho con cái mình cảm thấy tội lỗi vì những suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành động của chúng.
Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận họ đang cố gắng dạy những bài học cuộc sống, nhưng việc gieo rắc cảm giác tội lỗi sẽ phủ nhận bất cứ điều gì họ có thể đưa ra. Cha mẹ sử dụng cảm giác tội lỗi để kiểm soát con sẽ có nguy bị con xa lánh.
Nói chuyện với con bằng giọng mỉa mai
Việc sử dụng lời mỉa mai sẽ luôn làm tổn thương trẻ vì nó khiến trẻ cảm thấy xấu hổ. Những bậc cha mẹ đang cảm thấy thất vọng có thể sẽ nói theo những cách tiêu cực và gây tổn thương này.
Đáng buồn, việc mỉa mai một đứa trẻ sẽ tạo ra trở ngại cho việc cố gắng giao tiếp hiệu quả và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.